preloader
Cách thức phối hợp BIM trong các dự án nhà cao tầng ở Việt Nam}

15 August 2021

Cách thức phối hợp BIM trong các dự án nhà cao tầng ở Việt Nam

Trong một nghiên cứu xuất bản đầu năm 2018, các tác giả Lê Ngọc Quyết, Nguyễn Như Trang, Lê Minh Cảnh đã so sánh các cách thức phối hợp BIM phổ biến tại các công ty xây dựng lớn ở miền Nam, đồng thời phân tích nguyên nhân ảnh hưởng đến sự thành công của việc triển khai BIM thông qua lý thuyết “hành vi”.

Trong một nghiên cứu xuất bản đầu năm 2018, các tác giả Lê Ngọc Quyết, Nguyễn Như Trang, Lê Minh Cảnh đã so sánh các cách thức phối hợp BIM phổ biến tại các công ty xây dựng lớn ở miền Nam, đồng thời phân tích nguyên nhân ảnh hưởng đến sự thành công của việc triển khai BIM thông qua lý thuyết “hành vi”.

Nhóm tác giả dựa vào lý thuyết hành vi để biên soạn bộ câu hỏi bán cấu trúc dành cho phỏng vấn. Kết quả thu được hai phương pháp phối hợp BIM phổ biến nhất đang được các đơn vị tư vấn, thiết kế, nhà thầu lớn sử dụng tại thị trường miền Nam.

Hai trường hợp phối hợp BIM trong thiết kế và thi công

So sánh cấu trúc hai phương án phối hợp BIM

 

Trường hợp A thể hiện sự tập trung quyền lực cao trong phối hợp BIM, CĐT chỉ làm việc với tổng thầu, còn tổng thầu trực tiếp quản lý thầu phụ thiết kế và thầu phụ thi công lắp đặt. Ban thiết kế của tổng thầu gồm đội thiết kế và đội BIM-trong đó đội thiết kế chịu trách nhiệm quản lý và thẩm định hồ sơ thiết kế thi công với sự hỗ trợ quản lý cập nhật thông tin từ đội BIM. Đội BIM phối hợp với các đơn vị thầu phụ dựng và quản lý mô hình 3D, sau đó báo cáo đội thiết kế các xung đột phức tạp cần sự điều chỉnh lớn trong thiết kế, trong khi các chỉnh sửa nhỏ đội BIM có thể tự xử lý. Trường hợp B thể hiện sự phân tán quyền lực hơn nhưng đồng thời lại phức tạp hơn trường hợp A vì cần sự tham gia phối hợp của tất cả các bên liên quan-để luồng thông tin luôn được chuyển động và cập nhật trong các giai đoạn khác nhau của dự án. Cách phối hợp này tuân theo mô hình phối hợp liên kết cho phép các đơn vị tham gia phát triển dự án với vị thế bình đẳng hơn. Thông thường, đơn vị tư vấn BIM phải chủ động tổ chức rất nhiều cuộc họp để lấy ý kiến thống nhất từ các bên.

So sánh ưu nhược điểm hai phương án phối hợp BIM

Trường hợp A thể hiện sự nhanh gọn trong quá trình chỉ đạo và quyết định triển khai BIM vì tổng thầu có năng lực để điều phối BIM và quyền hạn để quản lý các thầu phụ. Tuy nhiên cách phối hợp này dễ rơi vào tình trạng làm BIM đơn lẻ [7] khi luồng thông tin được kiểm soát tuyệt đối bởi tổng thầu trong khi vai trò của thầu phụ thiết kế và thi công rất mờ nhạt. Một điểm trừ nữa là khi triển khai BIM theo ý kiến chủ quan của một bên thì quy trình làm BIM rất dễ thất bại do: 1) sai lầm trong chỉ đạo từ tổng thầu, hoặc 2) chỉ làm BIM từng phần mà hướng về lợi ích của tổng thầu. Trường hợp B thể hiện rõ sự hợp tác giữa các bên hơn khi luôn cần sự đóng góp và đồng ý của mọi người trước khi quyết định thay đổi hoặc điều chỉnh thiết kế. Dù vậy, cách làm này rất tốn thời gian họp hành để chốt phương án và công sức phối hợp để đảm bảo được lợi ích đồng đều giữa các đơn vị. Một nhược điểm nữa là khi trình độ hiểu biết và khả năng làm BIM của các đơn vị có chênh lệch lớn thì nhiều giải pháp BIM tối ưu không thể thực hiện được, mà đành phải chấp nhận giải pháp phù hợp với năng lực hiện có của các đơn vị tham gia.

Một vài nhận định

Tư duy làm BIM và các công cụ BIM hướng về thiết kế xanh và cấu kiện đúc sẵn, trong khi ngành xây dựng Việt Nam hầu như không thay đổi vẫn sử dụng BTCT đổ tại chỗ. Điều đó dẫn đến các đơn vị không thể tận dụng hết sức mạnh của công cụ BIM và thậm chí, trong nhiều trường hợp, phải cấu hình lại công cụ BIM để phục vụ cho quy trình xây dựng cũ kỹ. Nguyên nhân mang tính “tạm thời” (thiếu các tiêu chuẩn và định hướng từ nhà nước) cũng được phân tích. Các doanh nghiệp đang rất mong mỏi nhà nước sớm đưa ra bộ tiêu chuẩn/quy định/ hướng dẫn thực hành BIM để tăng cường khả năng hợp tác cũng như có cơ sở để tính toán chi phí làm BIM-đưa BIM thành một dịch vụ chính thức vào các dự án. Đồng thời, các tiêu chí về công trình xanh (tiết kiệm năng lượng/giảm khí thải) và tiết kiệm vật liệu (cấu kiện đúc sẵn) nên được bắt buộc trong các dự án lớn (tuỳ theo mức độ quy mô công trình) để tạo đà cho BIM phát triển.

Xem đầy đủ bài báo khoa học tại đây.

Nếu các bạn quan tâm đến các bài báo khoa học khác về BIM, hãy ấn vào đây để xem.

VBN tổng hợp và giới thiệu

 
Share: